PR là gì? Vai trò của PR và các hoạt động PR
PR là hoạt động Marketing được các tổ chức, doanh nghiệp chú trọng sử dụng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình. Liệu chỉ có những doanh nghiệp lớn mới cần có chiến lược PR? Trong nội dung bài viết này, GOBRANDING sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc PR là gì, vai trò quan trọng của PR đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp và các hoạt động PR thường gặp.
1. PR là gì?
Sự ra đời của PR
Ở Việt Nam, tại hầu hết các công ty vừa và nhỏ, PR mới chỉ đang ở giai đoạn phát triển sơ khai do các công ty còn triển khai các hoạt động PR một cách rời rạc, chưa có tính chiến lược và hầu như chưa có nhân lực và ngân sách độc lập.
Vậy PR là gì? Tại sao các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng vào các hoạt động PR?
PR là viết tắt của Public Relation (Quan hệ công chúng). PR là việc tổ chức hay doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch cho những hoạt động truyền thông nhằm: Xây dựng hình ảnh tổ chức, doanh nghiệp – giúp thu hút sự chú ý, quan tâm và nhận thức về thương hiệu; phát triển mối quan hệ tốt đẹp và gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng – giúp tạo ra cái nhìn thiện cảm, những chú ý dư luận xã hội tích cực về lâu dài đối với thương hiệu.
Bạn có nghĩ một bài blog trên Website là một hình thức PR không?
Đây chính là một hình thức PR. Bạn có bất ngờ với thông tin này không? Vì sao lại như vậy?
PR được sử dụng nhằm giúp thu hút và gắn kết các khách hàng tiềm năng như một phần của Marketing. Trong xã hội được thúc đẩy bởi công nghệ và Internet như ngày nay, sự gắn kết trong các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức với các nhóm công chúng chủ yếu diễn ra trên mạng. Do đó, cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sự gắn kết đó là thông qua nội dung. Blog chính là cách xây dựng và phát triển nội dung hướng tới các nhóm công chúng mục tiêu cụ thể và tiết kiệm chi phí nhất.
Bạn có đang viết bài blog không? Bạn có sử dụng mạng xã hội để chia sẻ các bài blog không?
Khi bạn tạo ra các bài blog cung cấp những nội dung chất lượng, có giá trị và kịp thời về từng lĩnh vực mà khách hàng quan tâm sẽ giúp bạn tạo ra các khách hàng tiềm năng. Quá trình này chính là sự trao đổi giá trị, khi khách hàng nhận ra giá trị của những nội dung mà bạn cung cấp, họ sẽ tin tưởng bạn, sẵn sàng cung cấp các thông tin của họ để trở thành khách hàng tiềm năng và khách hàng của bạn. Đồng thời, các nội dung thông tin mà bạn cung cấp trên trang web của mình cũng giúp thu hút, tạo sự gắn bó với báo chí và đem tới nhiều nội dung mà các nhà báo có thể tìm kiếm khi họ viết bài.
Để cung cấp cho bạn ví dụ về doanh nghiệp cung cấp các nội dung cụ thể cho khách hàng truy cập thông qua các bài blog trên website của mình, hãy cùng xem xét trang web của Lenovo dưới đây.
Trang web của Lenovo với thanh menu gồm đầy đủ các phần về sản phẩm, công ty, những dự án cộng đồng, tin tức, bộ công cụ báo chí và tài liệu. Ở phần Stories, khách hàng quan tâm tới công nghệ có thể khám phá, tìm hiểu thêm các thông tin, hoạt động công nghệ được ứng dụng trong thực tế ở mục Tech in Action.
Lenovo cũng thiết kế phần Pressroom gồm các tài liệu, tin tức, thông cáo báo chí giúp cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà báo.
Tại trang web của GOBRANDING, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các thông tin về lĩnh vực SEO & Google, Website & Marketing Online và Content Marketing trong chuyên mục Blog của GOBRANDING.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng quan điểm PR chỉ là soạn thảo thông cáo báo chí, gửi cho các nhà báo hay viết các bài lên báo chí là chưa được đầy đủ. Hơn nữa, trong thời đại thông tin ngày nay, những người làm PR cần phải đổi mới để phù hợp với thế giới nội dung và hoạt động trực tuyến. Do đó, hình thức quan hệ báo chí theo cách PR truyền thống ngày càng không phát huy hiệu quả và được chuyển dần sang hướng tiếp cận, thu hút báo chí thông qua những nội dung mà họ quan tâm. Bên cạnh đó, hình thức chia sẻ các bài viết blog cũng giúp doanh nghiệp tạo ra sự gắn kết và sự tin tưởng đối với khách hàng.
Ngoài những hình thức kể trên, để các chiến dịch PR tác động và gây ảnh hưởng được đến các nhóm công chúng mục tiêu, PR còn được triển khai thông qua nhiều hình thức như: tổ chức sự kiện, xử lý khủng hoảng truyền thông, quan hệ cộng đồng hay truyền thông trên mạng xã hội…
Từ những điều trên, đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các định nghĩa về PR như sau:
2. Vai trò của PR
GOBRANDING sẽ chỉ ra 3 vai trò chính của PR thông qua việc phân tích một thương hiệu cụ thể sau đây.
Case study: Công ty Honda Việt Nam
Công ty được thành lập vào năm 1996, là liên doanh giữa Công ty Honda Motor (Nhật Bản), Công ty Asian Honda Motor (Thái Lan) và Tổng Công ty Máy Động Lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam. Sau hơn 20 năm, Honda Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe gắn máy và nhà sản xuất ô tô uy tín tại thị trường Việt Nam.
Hãy cùng theo dõi xem Honda Việt Nam đã triển khai các hoạt động PR như thế nào và đạt được những hiệu quả gì để thấy được vai trò của PR.
2.1. PR là công cụ đắc lực trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu
Hình ảnh thương hiệu sẽ được tăng cường khi công chúng mục tiêu tìm hiểu về thương hiệu đó thông qua một bên thứ ba. Một chiến lược PR hiệu quả có thể giúp thương hiệu xây dựng hình ảnh của mình theo cách mà họ muốn.
Trường hợp đối với Honda Việt Nam, công ty đã đăng tải nhiều thông tin tại các trang báo mạng như:
- Báo Dân trí:
- Báo Vnexpress:
Đây đều là những trang báo chính thống, uy tín và có nhiều người Việt đọc nhất. Thông qua nền tảng online, các trang báo mạng này càng đến gần hơn với công chúng, từ đó các tin tức, hình ảnh về Honda Việt Nam được xuất hiện rộng rãi và kịp thời.
Bên cạnh đó, Honda Việt Nam đã tham gia các cuộc thi như Giải đua Motor Châu Á ARRC ở chặng 4, Honda Fuel Challenge 2016 – đạt kết quả tiêu hao nhiên liệu trung bình ấn tượng với động cơ của Honda. Honda cũng khởi động hành trình WINNER 150: “4 đỉnh cực – Vạn chân trời – Chinh phục mọi nẻo đường”… Qua những hoạt động này, Honda Việt Nam đã dần khẳng định chất lượng sản phẩm của mình.
Không chỉ vậy, trên trang web chính thức của mình, Honda Việt Nam thường xuyên cập nhật những tin tức về công ty, về sản phẩm; cung cấp các thông tin chuyên sâu về lĩnh vực xe máy, ô tô cho khách hàng. Khi các khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết về lĩnh vực này – các khách hàng đam mê tốc độ, khách hàng quan tâm kỹ thuật sản xuất xe, quan tâm đến an toàn khi lái xe… họ có thể theo dõi được thêm nhiều thông tin tại website. Từ đó, các nội dung thu hút sự quan tâm của khách hàng đã giúp gắn kết công ty với khách hàng.
Honda còn đăng tải những thông tin, chia sẻ hình ảnh về công ty tại các trang mạng xã hội và nhận được nhiều sự tương tác, chia sẻ của công chúng.
Kênh YouTube của Honda Việt Nam:
Fanpage của Honda Việt Nam:
Từ tất cả những hoạt động đó, Honda Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh thương hiệu với những sản phẩm bền, chất lượng, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng, phù hợp với tâm lý của đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Bạn biết rằng xây dựng hình ảnh thương hiệu cần một quá trình nỗ lực với việc xác định rõ điểm khác biệt thương hiệu và tập trung vào truyền thông hình ảnh đó. Trong kỷ nguyên thông tin bùng nổ như hiện nay, bạn nên tận dụng tốt các nền tảng mạng xã hội và website để cung cấp các thông tin hữu ích, hấp dẫn cho khách hàng của mình. Nếu có chiến lược phát triển nội dung rõ ràng và biết cách tận dụng tốt các nền tảng online, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tuyệt vời cho thương hiệu.
2.2. PR quảng bá cho công chúng về giá trị thương hiệu
PR được sử dụng để gửi các thông điệp phù hợp với giá trị của thương hiệu và hình ảnh của công ty. Điều này giúp xây dựng danh tiếng cho thương hiệu.
Honda Việt Nam đã tổ chức các chương trình truyền hình như:
- Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” được phát sóng trên truyền hình từ năm 2004 với mục đích hướng dẫn lái xe an toàn cho người dân. Đây là một chiến lược PR nhằm gắn Honda với thuộc tính an toàn, đồng thời khẳng định Honda là một thương hiệu vì cộng đồng.
Năm 2020, chương trình có thêm phiên bản “Vui giao thông” dành cho trẻ em:
- Chương trình truyền hình thực tế “12 cá tính lên đường xuyên Việt” với sự trải nghiệm thực tế của 12 bạn trẻ đồng hành với xe máy Honda. Thông qua đó, Honda truyền tải thông điệp của mình hướng tới giới trẻ – hãy tự tin thể hiện bản thân, sẵn sàng trải nghiệm cuộc sống với đầy những bất ngờ và thú vị trên mỗi chặng đường.
Honda còn tiến hành chiến dịch “Be U with Honda – Hãy là chính bạn cùng với Honda”. Công chúng mục tiêu của chiến dịch là hướng tới giới trẻ Việt Nam. Với “Be U with Honda”, Honda mong vun đắp mối quan hệ ngày càng thân thiết và gần gũi hơn với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam dựa trên triết lý Honda: không chỉ tập trung sáng tạo những sản phẩm tiên tiến, công nghệ tối ưu, dịch vụ chu đáo nhất mà còn hết sức đề cao cách sống, lối suy nghĩ của giới trẻ, những người luôn mưu cầu sự phát triển không ngừng, nhằm hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Thông qua đó, Honda quảng bá dòng sản phẩm Airblade – cá tính, năng động dành cho giới trẻ.
Hình ảnh đại diện chính của chiến dịch “Be U with Honda” gồm logo với 5 phiên bản màu sắc khác nhau đại diện cho tính cách của giới trẻ Việt Nam: Logo chính màu đỏ tượng trưng cho sự năng động, tinh thần nhiệt huyết và sự sôi nổi của tuổi trẻ, logo màu xanh lam tượng trưng cho sự trẻ trung, sành điệu; logo màu vàng tượng trưng cho sự hài hước, vui nhộn; logo màu xanh lá cây thể hiện sự thông minh; logo màu xanh da trời tượng trưng cho sự tự tin thể hiện cá tính.
Trong khuôn khổ của chiến dịch, Honda tổ chức kết hợp nhiều hoạt động khác nhau như: Sự kiện ngoài trời, truyền thông trên truyền hình, báo chí, tổ chức sân chơi trực tuyến tại website www.beUwithhonda.com.vn (do chương trình đã kết thúc nên đường link đã được đóng lại).
Thông qua các chiến dịch PR, Honda Việt Nam đã khẳng định với công chúng về giá trị thương hiệu của mình: “chất lượng – bền bỉ – đáng tin cậy”. Đồng thời cho thấy những định hướng phát triển của công ty luôn gắn với những giá trị thiết thực cho người dân Việt Nam.
2.3. Hoạt động PR góp phần tăng cường quan hệ cộng đồng
Chiến lược PR được sử dụng để truyền tải rằng tổ chức hay cá nhân là một phần của xã hội. Các hoạt động PR giúp thiết lập tình cảm tốt đẹp; xây dựng lòng tin của công chúng với tổ chức, cá nhân; khắc phục sự hiểu lầm hoặc những định kiến, dư luận xã hội bất lợi cho tổ chức, cá nhân.
- Hoạt động tài trợ của Honda: Honda đã đóng góp 2,15 tỷ đồng cho những hoạt động khuyến học ý nghĩa: trao tặng 700 suất học bổng cho 70 trường Tiểu học và 10 thư viện đạt chuẩn Quốc gia cho 10 trường Tiểu học nghèo trên cả nước. Tài trợ xe máy cho lực lượng cảnh sát giao thông.
- Tổ chức các hoạt động trách nhiệm xã hội nhằm nỗ lực hết mình vì một xã hội giao thông an toàn: Tổ chức đào tạo trực tiếp tại Trung tâm Lái xe an toàn; phối hợp đào tạo với các cơ quan Chính phủ; đào tạo cho học sinh, sinh viên tại các trường học; trao tặng mũ bảo hiểm.
- Tổ chức các cuộc thi cho thế hệ trẻ như: Cuộc thi “Sân chơi ý tưởng trẻ thơ”, Giải thưởng dành cho Kỹ sư và nhà Khoa học trẻ Việt Nam, Motorsport…
- Hỗ trợ người dân chịu thiệt hại do thiên tai: Trong năm 2017, Honda Việt Nam đã dành ra hơn 2 tỷ đồng bao gồm hơn 1,5 tỷ đồng tiền mặt và 23 máy phát điện để ủng hộ đồng bào vùng lũ các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bào vùng lũ các tỉnh miền Trung.
- Tham gia vào các hoạt động vì môi trường: Dự án Trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch tại Hòa Bình (2008), Dự án Trồng rừng sản xuất tại Bắc Kạn (2013), Lái xe sinh thái – Tiết kiệm nhiên liệu, Giảm thiểu khí thải CO2 ra môi trường…
- Honda cũng đã tiến hành các hoạt động xử lý khủng hoảng truyền thông khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh một số vấn đề liên quan đến sản phẩm xe máy của công ty như tấm cách nhiệt trên bô xe Honda Air Blade thiếu an toàn, việc thu hồi xe Honda Lead:
– Về việc tấm cách nhiệt trên bô xe Air Blade thiếu an toàn cho người sử dụng và đi đường: Công ty Honda Việt Nam đã soạn ngay văn bản thông báo gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh và cơ quan báo chí, các cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (HEAD) khẳng định chưa từng sản xuất hoặc cung cấp tấm ốp bô xe bằng kim loại cho xe Air Blade. Tấm cách nhiệt chính hiệu trên bô xe Air Blade của Honda Việt Nam làm bằng chất liệu nhựa, hoàn toàn an toàn cho người sử dụng. Các tấm chắn nhiệt bằng kim loại được sản xuất bởi một bên thứ ba và do khách hàng tự lắp thêm vào. Đồng thời Honda Việt Nam khuyến cáo và tư vấn cho khách hàng không lắp đặt phụ kiện này cho xe vì lý do an toàn.
– Về việc thu hồi xe máy Honda Lead: Honda Việt Nam ngay lập tức đã có báo cáo tới Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản về chiến dịch cập nhật sản phẩm LEAD được nhập khẩu từ Việt Nam, khẳng định: “Lỗi này không ảnh hưởng đến chất lượng xe cũng như không ảnh hưởng đến an toàn cho người sử dụng, việc Honda Việt Nam thu hồi các xe bị lỗi là để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng”. Honda Việt Nam cũng đã thông báo cho các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các HEAD về việc Honda sẽ chịu toàn bộ chi phí của việc thay thế bình xăng cho các sản phẩm trong diện thu hồi nói trên.
Như vậy, thông qua việc triển khai các hoạt động PR phù hợp đã giúp Honda Việt Nam gắn kết được với cộng đồng, xây dựng thiện cảm với công chúng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy và duy trì sự ủng hộ của công chúng về lâu dài, đặc biệt là củng cố niềm tin của công chúng đối với công ty khi có khủng hoảng xảy ra.
3. Các hoạt động PR
Tuỳ vào từng giai đoạn và khả năng triển khai mà mỗi công ty tiến hành các hoạt động PR khác nhau, GOBRANDING sẽ hệ thống lại các hoạt động PR thường gặp sau đây:
- Tổ chức sự kiện: Với mục tiêu thu hút nhiều người tới tham gia, địa điểm có thể rộng tùy theo quy mô và tính chất của sự kiện như công viên, trung tâm hội nghị, khách sạn, sân vận động… Mục tiêu của tổ chức sự kiện là thể hiện tính cách sản phẩm qua đối tượng tham gia, thu hút sự chú ý của truyền thông, thu hút đông người biết đến và đưa thương hiệu sản phẩm một cách khéo léo vào nhận thức của người tiêu dùng.
Ví dụ: Vào ngày 14/10 vừa qua, Apple đã tổ chức sự kiện online “Hi Speed” – ra mắt sản phẩm mới iPhone 12, HomePod mini, sạc không dây MagSafe và tai nghe trùm đầu không dây. Sự kiện này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, chú ý của giới truyền thông và những người yêu công nghệ.
Có thể thấy rằng, với sự phát triển của công nghệ và mạng Internet phổ biến toàn cầu, cùng với đó là trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 thì Apple đã sử dụng hình thức tổ chức sự kiện online để thông báo tới công chúng về sản phẩm mới của mình. Qua đó, các công ty, doanh nghiệp ngày nay nên tận dụng ngay các nền tảng công nghệ để có thể tiến hành các hoạt động truyền thông online phù hợp và đem lại hiệu quả cao.
- Tài trợ: Là hình thức giúp đỡ bằng hiện vật hoặc hiện kim cho một tổ chức khác để đứng ra thực hiện chương trình từ thiện, gây quỹ, kêu gọi ủng hộ, chương trình giải trí, văn hóa, thể thao… Trong chương trình hoặc cuối chương trình được nhận lời cảm ơn qua lời dẫn của MC hay có logo trên phông màn sân khấu…
Ví dụ: Pepsi gần đây có cho ra mắt một sản phẩm mới là Pepsi vị chanh không calo. Pepsi đã trở thành nhà tài trợ chính của chương trình Rap Việt – Chương trình giải trí đang “hot” nhất hiện nay. Các hình ảnh thương hiệu của Pepsi được xuất hiện trên các poster của chương trình, trên sân khấu, được lồng ghép vào trong các hoạt động của các giám khảo và thí sinh, hay trong phần đầu chương trình và cuối chương trình, thương hiệu cũng được MC nhắc tới.
Với định vị là dành cho giới trẻ, thông điệp của Pepsi trong chiến dịch quảng bá sản phẩm mới – Pepsi vị chanh không calo chính là “Sảng khoái tột đỉnh, bung hết chất mình”. Thêm vào đó thì Rap Việt – một chương trình mới khai thác dòng nhạc Rap, có khả năng thể hiện cá tính, chất riêng, sự năng động của giới trẻ và hứa hẹn sẽ gây những hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Do đó, Rap Việt chính là lựa chọn tuyệt vời để Pepsi tài trợ, giúp tăng cường nhận diện thương hiệu cho dòng sản phẩm mới của Pepsi.
- Thông cáo báo chí: Những bài viết nói về các sự kiện, vấn đề quan trọng của doanh nghiệp hoặc có liên quan tới doanh nghiệp.
Ví dụ 1: Công ty Ajinomoto Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về ra mắt sản phẩm cà phê hoà tan và trà sữa hoà tan 3in1 Birdy.
Ví dụ 2: Trong sự việc sự cố mạng ngày 29/7, cả Vietnam Airlines và Vietcombank đều có liên quan đến sự việc này, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Cả 2 công ty đều đã phát đi thông cáo báo chí về vấn đề này.
- Bài blog: Bài viết trên trang web cung cấp những kiến thức về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: Trên website của GOBRANDING có một chuyên mục Blog riêng, trong đó gồm các chuyên mục con về SEO và Google, Website & Marketing Online và Content Marketing. Ở mỗi chuyên mục, GOBRANDING cung cấp các bài viết chuyên sâu cho người đọc.
Chẳng hạn như trong chuyên mục Website & Marketing, GOBRANDING cung cấp các bài viết đa dạng về từng chủ đề như cách chăm sóc Website, tìm hiểu về SEO content…
Thông qua các bài blog, GOBRANDING đã kết nối thương hiệu với hàng chục nghìn người đọc mỗi tháng. Trong đó, có thể kể đến bài blog “Hướng dẫn xem và phân tích chi tiết lượt truy cập traffic website” của GOBRANDING. Nhờ tập trung xây dựng nội dung chất lượng trên website và áp dụng SEO traffic mà bài viết của GOBRANDING có thể thu hút trên 4.000 lượt truy cập mỗi tháng.
Có thể thấy rằng, việc phát triển nội dung chuyên sâu bằng những bài blog mà bạn có thể thực hiện trên nền tảng website của mình là một hoạt động PR hiệu quả và giúp tiết kiệm chi phí.
- Xử lý khủng hoảng truyền thông: Điều phối hoặc hỗ trợ giải quyết cùng ban lãnh đạo khi công ty bị khủng hoảng.
Ví dụ: Trong vụ khủng hoảng hình ảnh của Vietnam Airlines (VNA) khi một tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật. VNA đã làm tốt trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông: hợp tác tích cực với báo giới, tổ chức họp báo đưa thông điệp kịp thời và cho thấy rõ sự cương quyết xử lý người vi phạm, phối hợp tích cực với nước bạn để xử lý, không bao che, tránh né, cung cấp thông tin chính xác. Đồng thời, VNA cũng đã kiểm tra và chấn chỉnh lại quy định, tiêu chuẩn liên quan để ngăn chặn việc mang hàng hóa sai quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Quan hệ cộng đồng: Một tổ chức, doanh nghiệp có nhiều mối quan hệ cộng đồng như: khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà đầu tư, giới truyền thông, giới công quyền, hoạt động xã hội… Các hoạt động đối với từng mối quan hệ cộng đồng giúp doanh nghiệp xây dựng những mối quan hệ tốt, tạo ra công luận tích cực. Nhờ đó mà tranh thủ được tình cảm của công chúng, tạo nên hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí mọi người, hướng tới mục tiêu cuối cùng của mọi tổ chức, doanh nghiệp.
Ví dụ 1: Coca Cola đã tiến hành chiến dịch PR “Làm sạch bãi biển quốc tế” thu hút được sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên và sự quan tâm của các kênh truyền thông. Coca Cola mong muốn gửi gắm thông điệp rằng họ luôn nỗ lực chung tay hành động vì xã hội.
Ví dụ 2: Pepsi và Coca Cola là hai đối thủ cạnh tranh khốc liệt với nhau. Cả 2 công ty này đều đã thực hiện những chiến dịch PR vận động hành lang (lobby) với Tổng thống Hoa Kỳ. Trong đó, Pepsi đã tạo dựng quan hệ với Tổng thống Hoa kỳ đời thứ 37 – Nixon trước khi ông trở thành ông chủ của Nhà Trắng. Nhờ hình ảnh cụng ly Pepsi của Tổng thống Nixon và Tổng bí thư Liên Xô được lên báo đã giúp cho hình ảnh của Pepsi được trở nên phổ biến hơn. Không chỉ vậy, Tổng thống Nixon còn chỉ thị gỡ hết máy tự động bán hàng Coca trong dinh Tổng thống và thay bằng Pepsi. Ngược lại, Coca đã tiến hành lobby với Tổng thống Jimmy Carter. Sau khi lên làm Tổng thống, ông cũng làm điều tương tự, chỉ thị gỡ bỏ hết máy bán hàng Pepsi trong dinh và thay bằng Coca.
- Digital (số) hóa các hình thức trên: Trong bối cảnh mọi người có xu hướng sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn, các thương hiệu thức thời đã đón bắt nhu cầu này và tạo cho mình trang thông tin đại diện để luôn đối thoại với người dùng; tổ chức sự kiện ưu đãi, minigame có thưởng trên các nền tảng mạng xã hội hay thuê những hot blogger, KOL, Influencer nói về mình để nhiều người biết tới.
Ví dụ: Vào năm 2016, khi Biti’s quay trở lại thị trường với sản phẩm mới Biti’s Hunter được ra mắt vào dịp Tết, họ đã thuê những KOL là những người trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội và tạo ra 2 quan điểm tranh luận giữa các KOL về:
#teamđi: Gồm các KOL như Phở, Giang Hoàng, Thùy Minh với quan điểm tình cảm gia đình nên được xây dựng trong suốt năm, chứ không chỉ mấy ngày Tết. Việc tìm kiếm trải nghiệm để tăng thêm vốn sống, biết yêu thương và trân trọng những gì mình đang có là hoàn toàn đáng ủng hộ, và “Về là ở trái tim, bước chân không có lỗi”!
#teamtrởvề: Gồm JV, Nguyễn Ngọc Thạch và Phan Ý Yên với những quan điểm rằng, việc đi không sai nhưng cần đi cho đáng, đúng thời điểm và Tết là lúc chúng ta cần dành thời gian cho bố mẹ, gia đình!
Nhờ có những sự tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, đã thu hút sự quan tâm, chú ý và những tương tác, phản hồi từ công chúng, tạo đà cho việc quảng bá sản phẩm mới của Biti’s.
Vậy một người làm nghề PR phải làm những công việc gì?
Tổng quát lại thì một người làm nghề PR có 5 công việc chính sau: Viết và biên tập các văn bản; Lên kế hoạch và tổ chức sự kiện; Phối hợp và tư vấn cho các phòng ban; Nghiên cứu và tư vấn chiến lược; Xử lý khủng hoảng.
Kết luận
Như vậy, bạn đã cùng GOBRANDING tìm hiểu về PR là gì, vai trò quan trọng của PR cũng như các hoạt động PR thường gặp. Qua những phân tích cụ thể trên, chúng ta thấy rằng PR là một phần của chiến lược Marketing mà các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng. Những hiệu quả mà PR mang lại cho các doanh nghiệp chính là những lợi ích về lâu dài, góp phần xây dựng hình ảnh và giá trị thương hiệu, tạo ra và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với công chúng.
Ngày nay, trong kỷ nguyên số hoá và bùng nổ thông tin, các doanh nghiệp không chỉ nên tiến hành các hoạt động PR theo lối truyền thống mà còn cần đẩy mạnh hơn các hoạt động PR trên nền tảng online bằng những chiến lược Marketing Online phù hợp. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào các hoạt động PR mang tính liên tục và lâu dài như phát triển nội dung website và mạng xã hội.
Phát triển nội dung website phối hợp với SEO traffic để kéo hàng ngàn khách hàng mục tiêu vào website.
Nhận tư vấn
phát triển website với SEO traffic
The post PR là gì? Vai trò của PR và các hoạt động PR appeared first on Công ty SEO GOBRANDING.
source https://gobranding.com.vn/pr-la-gi-vai-tro-va-cac-hoat-dong-cua-pr/
Nhận xét
Đăng nhận xét